Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng mua sắm, vay mua nhà cuối năm
Mục lục [Ẩn]
Tại buổi tọa đàm bàn tròn doanh nhân với chủ đề "Cho vay mùa cuối năm" do Báo Người Lao Động vừa tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đến cuối quý III/2014, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 6,5% trong khi chỉ tiêu là từ 12%-14%. Đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn có thể đạt 11% với khoảng 45.000 - 50.000 tỉ đồng đang được các NH thương mại bung ra thị trường.
Vướng ở khả năng hấp thụ
Theo ông Minh, lãi suất, tỉ giá hiện nay rất thuận lợi cho khách hàng tiếp cận. Ngày 29-10, NH Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng xuống 5,5%/năm và lãi suất 5 lĩnh vực ưu tiên giảm còn 7%/năm. Đó là những điều kiện để doanh nghiệp (DN) và các thành phần kinh tế tiếp cận vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Về tỉ giá, NH Nhà nước cũng vừa định hướng vừa điều hành trong 3 năm qua hỗ trợ cho DN xuất nhập khẩu về các nguồn ngoại tệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Câu chuyện lúc này là sức cầu của nền kinh tế để hấp thụ tăng trưởng tín dụng chứ không chỉ lãi suất.
Ngay từ đầu tháng 10, NH TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) đã lên kế hoạch phục vụ dịp Tết. Thời điểm này, cho vay tiêu dùng bắt đầu "vô mùa" khi người dân chú trọng sắm sửa và dịp Tết kéo dài 7-9 ngày nên nhu cầu người dân cần vốn rất cao. Nhưng quan trọng là giải pháp nào để đưa vốn ra thị trường? Kienlong Bank đang có chương trình ưu đãi 1.000 tỉ đồng cho các DN vừa và nhỏ vay, có những gói vay lãi suất chỉ 8%-9,5%/năm và áp dụng cơ cấu lại nợ, tính lãi hợp lý cho các DN...
Khách hàng được tư vấn thủ tục cho vay tiêu dùng, vay mua nhà
Tại VietBank, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Nhung, cho biết NH này đã sẵn sàng giải ngân 2.000 tỉ đồng và tập trung đôn đốc nhân viên hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Phân khúc cho vay tiêu dùng mua sắm, vay mua nhà cuối năm được NH đẩy mạnh.
Rất nhiều DN đặt vấn đề tại sao lãi suất huy động giảm mà không giảm lãi suất cho vay hoặc lãi vay còn cao? Lãnh đạo NH Nhà nước thành phố lý giải dù lãi suất huy động giảm mạnh nhưng vài năm qua, người dân gửi tiết kiệm chủ yếu kỳ hạn ngắn 1-3 tháng, vốn huy động dưới 6 tháng chiếm đến 60%-70% tổng nguồn vốn đầu vào. Nguồn huy động trên 1 năm không đáng kể.
"Gần đây, điều kiện vĩ mô ổn định là cơ sở để NH thương mại cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn trung và dài hạn. Thêm nữa, giảm lãi suất huy động là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Mức lãi suất vay hiện từ 9%-11%/năm, tương đương giai đoạn 2003-2005 khi kinh tế vĩ mô tốt. Định hướng của các NH thời gian tới là đẩy mạnh cho vay trung dài hạn để tạo điều kiện cho DN đầu tư cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất kinh doanh" - ông Minh phân tích.
Sức hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế yếu mới là nguyên nhân sâu xa khiến tín dụng tăng trưởng chậm, DN vẫn còn khó khăn. Ông Ngô Minh Châu, chuyên gia kinh tế, cho rằng do ảnh hưởng của nền kinh tế còn kéo dài, một số DN phá sản, hoạt động sản xuất cầm chừng, sức cạnh tranh kém, một số DN tái cơ cấu lại hoạt động và cân đối tài chính nên sản xuất kinh doanh có thể hạn chế. Nợ quá hạn cũng rất lớn do trước đây DN đẩy mạnh sản xuất nên vượt tầm kiểm soát của chính DN, đi kèm rủi ro cao và khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn mới gặp nhiều khó khăn khi vốn vay cũ chưa trả được.
Sẵn sàng cho vay tín chấp
Theo các NH, dù đã có quy chế cho vay nhưng qua nhiều lần sửa đổi, cần quy chế mới để bảo đảm chiếc áo đủ rộng cho điều kiện hiện nay. Không có tài sản thế chấp sẽ rất phức tạp. Ngay thủ tục liên quan về đất đai, nhà ở, tài sản hình thành trong tương lai, hàng hóa lưu chuyển tồn kho... cũng phức tạp.
Giảm lãi suất huy động là cơ sở để giảm lãi suất cho vay tiêu dùng, vay mua nhà...
Mới đây, dù NH Nhà nước khuyến khích quy chế cho vay không cần tài sản thế chấp nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. "NH cũng ái ngại. DN tiếp cận vốn trong khi những quy định chưa được rõ ràng, định hướng cụ thể cũng là một khó khăn" - ông Nhung chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Châu cho rằng do còn những rào cản, văn bản không rõ ràng nên sự vận dụng của NH liên quan đến tài sản thế chấp rất cẩn trọng. "Nắm anh có tóc thì vẫn yên tâm hơn. NH chắc không muốn giữ tài sản làm gì khi đủ thứ xảy ra đi kèm" - ông Châu nói.
Trong bối cảnh hiện nay, tài sản thế chấp vẫn là một thứ vô cùng quan trọng. Các NH vẫn đang ở thế vừa phải đẩy mạnh cho vay vừa thủ bởi yêu cầu phải đem lại lợi nhuận nhưng cũng tránh tối đa thiệt hại cho cá nhân khi ký khoản vay. Lý tưởng nhất, có lẽ là khi DN quản lý được dòng tiền và cho vay tín chấp bằng dòng tiền...
Trong câu chuyện làm sao để NH và DN gặp nhau, ông Minh cho biết lãnh đạo TP đã chỉ đạo NH Nhà nước chi nhánh TP, Sở Công Thương và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn triển khai chương trình kết nối đưa vốn đến DN từ giữa quý III/2012. Lượng vốn giải ngân tăng mạnh qua từng năm và từ đầu năm 2014 đã có khoảng 39.000 tỉ đồng đến tay DN, hợp tác xã, các hộ kinh doanh, tiểu thương... Qua hơn 2 năm thực hiện, chưa có đồng vốn nào bị quá hạn, nợ xấu và các nhu cầu vốn NH cam kết với DN đều được thực hiện nghiêm túc. Do đó, DN có nhu cầu về vốn cứ mạnh dạn đến NH thương mại hoặc NH Nhà nước Chi nhánh TP phản ánh để được hỗ trợ đáp ứng.
Theo ndh
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất