Bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì? So sánh với bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Mục lục [Ẩn]
Tại Việt Nam theo thống kê có tới 70% số người già không có lương hưu và nhiều người không có tài sản tích lũy. Điều này gây ra nhiều hệ lụy không đáng có trong việc chăm sóc sức khỏe và đảm bảo cuộc sống cho người già khi nghỉ hưu. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, để được hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng đủ điều kiện là có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Mức hưởng hàng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng (tối đa 75%) nhân với mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH. Số tiền này về cơ bản chưa đáp ứng đủ cuộc sống mà vật giá ngày một gia tăng như hiện nay.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tối đa là bằng 20 lần mức lương cơ sở. Điều này chưa thuận lợi cho những người lao động thu nhập cao có nhu cầu được hưởng lương hưu cao hơn khi về già. Bởi vậy, rất nhiều người mong muốn có một chính sách của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động, với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Đấy chính là lý do Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.
Nghị định này quy định về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua việc hình thành quỹ hưu trí từ sự đóng góp tự nguyện của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân; Việc quản lý, đầu tư, chi trả và giám sát quỹ hưu trí. Vậy bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì? Điều kiện tham gia và mức hưởng ra sao?
Bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì?
Khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định rõ: “Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật”
Ngoài ra, theo Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện cũng nêu rõ: “Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung thu nhập cho người tham gia quỹ khi đến tuổi về hưu dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân, được đầu tư và tích lũy theo quy định của pháp luật”
Như vậy, bảo hiểm hưu trí bổ sung là một chính sách bảo hiểm xã hội hoàn toàn tự nguyện giúp người lao động tạo lập quỹ hưu trí thông qua các hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật. Từ đó, bổ sung thu nhập cho người tham gia quỹ khi đến tuổi về hưu.
Bảo hiểm hưu trí bổ sung giúp bổ sung thu nhập cho người lao động khi về hưu
Nguyên tắc của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện
Điều 4 Nghị định 88/2016/NĐ-CP đã quy định rõ nguyên tắc của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện như sau:
- Người lao động và cá nhân, người sử dụng lao động (đóng góp cho người lao động) tham gia chương trình trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.
- Khoản đóng góp của người tham gia quỹ bao gồm cả khoản đóng góp của người sử dụng lao động (nếu có) được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.
- Người tham gia quỹ có quyền sở hữu đối với tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí nhận ủy thác đầu tư tài sản quỹ hưu trí. Tài sản mà quỹ hưu trí được đầu tư bao gồm: Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại; Trái phiếu Chính phủ; Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Trái phiếu chính quyền địa phương; Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán (Căn cứ theo Khoản 3 Điều 20 Nghị định 88/2016/NĐ-CP).
Ngoài ra, theo Khoản 4 của Nghị định này, tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí.
- Hoạt động quản lý quỹ hưu trí thực hiện theo nguyên tắc công khai và minh bạch.
- Quỹ hưu trí phải đảm bảo đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định này và Điều lệ quỹ hưu trí.
- Mức chi trả hưu trí được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả theo quy định của Nghị định này.
Đối tượng tham gia chương trình
Đối tượng tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện được xác định rõ theo quy định của Nghị định 88/2016/NĐ-CP, bao gồm:
- Người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
- Người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
- Cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
Phương thức tham gia đóng góp
Để tham gia đóng góp vào chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, người lao động và cá nhân có thể lựa chọn 1 trong 2 phương thức sau đây:
Tham gia đóng góp chương trình hưu trí thông qua người sử dụng lao động
Đối với phương thức này người sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động (NLĐ) của doanh nghiệp mình trên cơ sở yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, không có sự đóng góp của người lao động; Người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp vào quỹ hưu trí theo văn bản thỏa thuận giữa hai bên.
Khi tham gia bằng phương thức này, căn cứ vào yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, người sử dụng lao động có thể xây dựng chương trình hưu trí và thực hiện đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động của doanh nghiệp mình theo phương thức quy định tại Nghị định 88/2016/NĐ-CP. Quy trình tham gia đóng góp sẽ được thực hiện như sau:
- Bước 1: Người sử dụng lao động thông báo cho người lao động về chương trình hưu trí
- Bước 2: Người sử dụng lao động ký thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nội dung văn bản thỏa thuận sẽ bao gồm các thông tin: Tên chương trình hưu trí NLĐ lựa chọn tham gia; Nội dung cơ bản của chương trình; Thời gian bắt đầu tham gia; Mức đóng góp, tần suất và thời gian đóng góp của NSDLĐ, NLĐ; Quyền và nghĩa vụ của NLĐ, NSDLĐ; Việc ngừng hoặc tạm ngừng tham gia…
- Bước 3: Người sử dụng lao động ký hợp đồng tham gia chương trình hưu trí với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
- Bước 4: Chuyển tiền đóng góp.
Tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí
Tham gia bằng phương thức này, người lao động sẽ đóng góp hoàn toàn vào quỹ hưu trí, không có sự đóng góp của người sử dụng lao động. Đối với cá nhân đủ 15 tuổi không làm việc theo hợp đồng lao động thì trực tiếp đóng góp vào quỹ hưu trí.
Vì tham gia đóng góp trực tiếp nên người lao động, cá nhân tự lựa chọn chương trình hưu trí, phương thức đóng góp và thực hiện việc ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo mẫu hợp đồng quy định tại Nghị định 88. Sau đó người lao động và cá nhân tự chuyển tiền đóng góp vào quỹ theo các điều khoản tại hợp đồng.
Lưu ý: Khoản đóng góp này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Giải đáp thêm: Khách hàng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung thì sẽ mua ở đâu?
Mức đóng của người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung
Theo Thông tư 19/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xây dựng văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện tại doanh nghiệp, mức đóng góp, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp của người lao động khi người lao động cùng tham gia đóng góp với người sử dụng lao động vào chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện cụ thể như sau:
“Điều 10. Mức đóng góp, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp của người lao động
Trong trường hợp người lao động cùng đóng vào quỹ hưu trí thì xác định mức đóng góp, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp của mình cụ thể như sau:
1. Mức đóng góp bằng số tiền tuyệt đối hoặc bằng tỷ lệ phần trăm trên mức tiền lương của người lao động.
2. Tần suất đóng góp hằng tháng, hoặc hai tháng một lần, hoặc ba tháng một lần, hoặc tần suất khác do người lao động lựa chọn phù hợp với khả năng và nhu cầu của người lao động.
3. Thời gian đóng góp do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, phù hợp với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mà người sử dụng lao động đã xây dựng và người lao động lựa chọn tham gia. Thời gian đóng góp được ghi cụ thể trong văn bản thỏa thuận.
4. Người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí thông qua người sử dụng lao động ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hoặc trích từ tiền lương tháng của mình để đóng vào quỹ hưu trí”.
Chi trả từ quỹ hưu trí
Đối với việc chi trả từ quỹ hưu trí, theo quy định, đối tượng được nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân sẽ bao gồm:
- Người tham gia quỹ;
- Người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động.
Theo Điều 24, Nghị định 88/2016/NĐ-CP, số tiền thanh toán từ tài khoản hưu trí cá nhân phụ thuộc vào giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và kế hoạch chi trả quy định tại hợp đồng tham gia quỹ hưu trí và văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí. Trong quá trình chi trả, tài khoản hưu trí cá nhân được tiếp tục đầu tư tại quỹ hưu trí theo lựa chọn của người tham gia quỹ.
Đối với hình thức chi trả, người tham gia quỹ nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân được lựa chọn nhận chi trả theo chế độ hàng tháng hoặc một lần. Thời gian nhận chi trả hàng tháng khi người tham gia quỹ đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 10 năm. Mức chi trả hàng tháng khi đến tuổi về hưu do đối tượng nhận chi trả lựa chọn nhưng tối đa không vượt quá tổng giá trị tài khoản hưu trí cá nhân ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 120 tháng. Sau 10 năm, người tham gia quỹ có thể nhận chi trả một lần.
Lưu ý:
- Trường hợp mức chi trả hàng tháng được xác định thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành thì mức chi trả hàng tháng tối đa không vượt quá mức lương cơ sở cho đến khi tất toán tài khoản hưu trí cá nhân.
- Trong trường hợp người tham gia quỹ bị chết hoặc mất tích, người thừa kế hợp pháp của người tham gia quỹ được thừa hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định về thừa kế của Bộ luật dân sự.
- Trong trường hợp người lao động không đáp ứng các điều kiện tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí, người sử dụng lao động được nhận lại phần đóng góp của mình cho người lao động và kết quả đầu tư từ phần đóng góp này sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí.
Chi trả từ quỹ hưu trí giúp người lao động an nhàn nghỉ hưu
So sánh bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Nếu bảo hiểm hưu trí bổ sung là một chính sách bảo hiểm xã hội được Chính phủ ban hành nhằm gia tăng thu nhập cho người lao động sau khi nghỉ hưu thì bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo Thông tư 115/2013/TT-BTC là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Bảo hiểm hưu trí bao gồm bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân và bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động. Giữa hai loại bảo hiểm này có điểm giống nhau nhưng cũng tồn tại nhiều điểm khác nhau mà người tham gia nên tìm hiểu kỹ để phân biệt rõ ràng và đưa ra quyết định tham gia phù hợp.
Điểm giống nhau
Bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện có những điểm giống nhau như sau:
- Đều là một giải pháp để gia tăng nguồn thu nhập của người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.
- Tham gia theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện.
- Các khoản đóng góp của người tham gia đều được quản lý dưới dạng hình thức tài khoản cá nhân. Tài sản hình thành trên tài khoản này đều thuộc sở hữu của người tham gia bảo hiểm. Người tham gia có quyền sử dụng khi đến tuổi nghỉ hưu.
Điểm khác nhau
Bên cạnh các điểm giống nhau, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng có nhiều điểm khác nhau thể hiện rõ ở bản chất cũng như mức đóng, đối tượng tham gia. Dưới đây là bảng chi tiết các điểm khác nhau của hai loại bảo hiểm này, các bạn có thể tìm hiểu để nắm rõ hơn.
Tiêu chí | Bảo hiểm hưu trí tự nguyện | Bảo hiểm hưu trí bổ sung |
Bản chất | Là sản phẩm bảo hiểm thương mại do các công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp | Là một chính sách của bảo hiểm xã hội |
Đối tượng tham gia | Cá nhân người lao động hoặc nhóm người lao động (bảo hiểm hưu trí nhóm do chủ sử dụng lao động mua) | Người lao động, người sử dụng lao động hoặc cá nhân đủ từ 15 tuổi trở lên |
Mức đóng | Tùy thuộc vào sản phẩm, độ tuổi, giới tính và nghề nghiệp của người tham gia mà mức phí sẽ có sự khác nhau |
- Mức đóng góp bằng số tiền tuyệt đối hoặc bằng tỷ lệ phần trăm trên mức tiền lương của người lao động. - Mức đóng góp của người sử dụng lao động không thấp hơn mức đóng góp tối thiểu đã cam kết theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 19/2018/TT-BLĐTBXH |
Quyền lợi chi trả | Nhận lãi suất tùy thuộc vào kết quả đầu tư của quỹ đầu tư mà người tham gia đã lựa chọn. | Toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư sẽ chi trả cho người tham gia. |
Để hiểu rõ thêm về bảo hiểm hưu trí tự nguyện, các bạn có thể tham khảo bài viết: Bảo hiểm hưu trí tự nguyện và các lợi ích nhận được khi tham gia
Có thể thấy chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với người tham gia mà còn đối với xã hội. Bên cạnh việc gia tăng nguồn thu nhập, đảm bảo cuộc sống hưu trí an nhàn cho người lao động sau khi hết độ tuổi lao động, bảo hiểm hưu trí bổ sung còn giúp giảm áp lực lên ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, lượng vốn hình thành từ các quỹ hưu trí bổ sung sẽ gia tăng nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường vốn Việt Nam, từ đó tạo điều kiện phát triển bền vững nền kinh tế.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất