Nợ xấu vẫn "ẩn nấp", gây áp lực cho các ngân hàng
Mục lục [Ẩn]
Nợ xấu vẫn tiếp tục bủa vây ngân hàng
Trước đó như đã thông tin, kết thúc quý I/2021, theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, con số nợ xấu nội bảng đang có xu hướng gia tăng. Thậm chí một số ngân hàng còn có dấu hiệu tăng phi mã. Trước tình hình nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm mục đích hỗ trợ khách hàng, đồng thời mang đến giải pháp tháo gỡ nút thắt nợ xấu giúp các ngân hàng dễ thở hơn.
Đọc thêm: Ngân hàng hưởng lợi gì từ Thông tư 03?
Tuy nhiên, dù nhiều biện pháp đã được áp dụng nhưng đến nay các ngân hàng vẫn trong cảnh bị nợ xấu bủa vây, triển vọng nhiều doanh nghiệp trả nợ vẫn còn mờ mịt. Điều này khiến không ít ngân hàng rơi vào tình cảnh lo lắng.
Nợ xấu vẫn tiềm ẩn rủi ro khiến các ngân hàng lo lắng
Theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo ngân hàng, chất lượng nợ với nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB - ông Trần Hùng Huy thông tin trên báo Đầu tư, nợ xấu của ACB có thể kiểm soát được, nhưng đáng lo nhất là nợ xấu của các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Theo đó, dư nợ khách hàng cho vay lĩnh vực này tại ACB tính tới quý I/2021 là khoảng 9.000 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự khi dư nợ cơ cấu lại của khách hàng trong lĩnh vực du lịch, vận tải, khách sạn hiện ở mức hơn 2.000 tỷ đồng và con số có thể tăng thêm.
Trước tình hình này, các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm nợ xấu như tái khởi động bán nợ xấu, từ phát mãi tài sản bất động sản (BĐS) có giá trị hàng chục, trăm tỷ đồng cho đến các khoản vay tiêu dùng vài triệu đồng để xử lý nợ xấu… Cụ thể như VietinBank thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá cảng cạn Đình Vũ- Quảng Bình, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình với tổng giá trị đến 21/5 là gần 197 tỷ đồng, nợ gốc là hơn 161 tỷ đồng. Sacombank cũng đang công bố loạt bất động sản chào bán với giá trị hơn nghìn tỷ đồng. Thậm chí ngân hàng MB từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn cơ cấu nợ với riêng các doanh nghiệp nhóm ngành lưu trú, du lịch, khách sạn…. bởi nhiều khả năng hết năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn chưa thể trả được nợ.
Nợ xấu nói chung và nợ xấu trong lĩnh vực du lịch, khách sạn nói riêng gia tăng là điều không quá bất ngờ, bởi những ngành này chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Việc dịch kéo dài khiến nhiều địa phương phải phong tỏa, cách ly và hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng. Nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì đến hết năm nay, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ không bù đắp được chi phí để trả nợ.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 5/4/2021 các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng. Sau khi Thông tư 03 chính thức có hiệu lực vào ngày 17/5/2021, con số dư nợ được cơ cấu lại chắc chắn sẽ nhiều hơn. Dù việc cơ cấu nợ đã có nhiều tác động tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều khoản nợ được cơ cấu đang là nợ xấu tiềm ẩn.
Hướng đi nào để giải quyết nợ xấu "ẩn nấp"?
Trước tình hình nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng dù đã có chính sách cơ cấu nợ, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế chia sẻ trên báo Đầu tư rằng, nhiều khoản nợ xấu được cơ cấu lại theo Thông tư số 03 sẽ dần hiện hình khi thời hạn của các thông tư này kết thúc, nếu doanh nghiệp vẫn chưa trả được nợ, đặc biệt là doanh nghiệp trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Đánh giá chung cho thấy, hiện nay khoản dự phòng của các ngân hàng đã dày lên khi ngân hàng đã chú trọng nâng cao trích lập dự phòng rủi ro và tăng tỷ lệ bao phủ rủi ro. Đơn cử như Agribank, Vietcombank công bố kế hoạch trích lập 100% khoản nợ cơ cấu theo Thông tư số 03 trong năm nay. Tuy vậy, bên cạnh đó một số ngân hàng vẫn còn tình trạng lợi nhuận ảo, lãi dự thu cao. Với tình trạng này khi thời hạn cơ cấu kết thúc, nợ tiêu chuẩn hóa thành nợ xấu, thì những ngân hàng này sẽ khó tránh khỏi cú sốc vì nợ xấu bủa vây.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để giải quyết tình trạng nợ xấu Ngân hàng Nhà nước nên hối thúc các ngân hàng củng cố cơ sở vốn để đón “con sóng” nợ xấu sẽ ập đến, sau khi biện pháp cơ cấu lại, giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp hết hiệu lực vào năm 2023. Ngoài ra, theo ông các ngân hàng có lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng mạnh trong năm 2020 và quý I/2021 chính là điều kiện thuận lợi để tăng trích lập dự phòng những quý tới.
Hướng giải quyết nào cho vấn đề nợ xấu ngân hàng?
Còn TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) lại cho hay, để giải quyết chuyện nợ xấu “ẩn nấp" về lâu dài cần ban hành chính sách khoanh nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh với thời hạn 2 năm, giống như chính sách khoanh nợ, giãn nợ với nông nghiệp trước đây mà Chính phủ đã ban hành.
Trong khi đó chuyên gia Võ Trí Thành đưa ra ý kiến, để tạo thuận lợi cũng như đạt hiệu quả cao nhất cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, cần có văn bản thay thế Nghị quyết số 42/2017/QH14 sắp hết hiệu lực (có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017). Đặc biệt, ông cho rằng cần sớm luật hóa văn bản thay thế này để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, giúp tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ xấu.
Có thể thấy nợ xấu vẫn đang là bài toán khiến không ít ngân hàng rơi vào tình trạng lo lắng, ráo riết đi tìm lời giải đáp. Mong rằng với những chính sách và hướng đi được đưa ra, tình trạng nợ xấu sẽ được xử lý trong thời gian sớm.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất