Lật tẩy các chiêu trò giả mạo làm thẻ tín dụng
Mục lục [Ẩn]
Hiện nay, các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thẻ tín dụng ngày càng trở nên tinh vi, giảo hoạt. Khách hàng nếu không cẩn trọng rất dễ trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Các chiêu trò giả mạo làm thẻ tín dụng phổ biến hiện nay
Ngày nay các thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, nếu không được trang bị kỹ kiến thức người dân sẽ rất khó để phân biệt các thủ đoạn này. Dưới đây là một số chiêu trò giả mạo làm thẻ tín dụng mà kẻ gian thường thực hiện.
Lừa mở thẻ tín dụng không lãi suất và thu phí phát hành
Đây là chiêu trò phổ biến và dễ thực hiện, thường lợi dụng sự lơ là hoặc thiếu cảnh giác của khách hàng.
Kẻ gian sẽ lập ra các website tương tự với website của ngân hàng chính thức, dễ gây hiểu nhầm như Ngân hàng Đại chúng, Tập đoàn Cổ phần ECredit Đại chúng, Ngân hàng VPB.
Chúng sẽ gửi tin nhắn, email hoặc gọi điện thoại và tự xưng là nhân viên ngân hàng để giới thiệu mở thẻ tín dụng không lãi suất và chỉ thu phí phát hành.
Với thủ đoạn tinh vi, chúng dễ dàng lấy được sự tin tưởng và thông tin của khách hàng. Khi khách hàng đồng ý mở thẻ, kẻ gian sẽ gửi thẻ giả qua đường bưu điện đến cho khách hàng và thu phí làm thẻ từ 300.000 đến 400.000 đồng. Chỉ cần nhận được tiền chúng sẽ ngay lập tức chặn số điện thoại, đến khi khách hàng phát hiện ra bị lừa thì đã muộn.
Bạn có thể nhận diện thủ đoạn này nếu cảnh giác hơn, kẻ gian thường thông qua website giả mạo, gọi điện, gửi tin nhắn hoặc email để chào mời mở thẻ với nhiều ưu đãi như hạn mức 50 triệu đồng, miễn phí thường niên, lãi suất 0%.
Mới đây Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã chia sẻ những khuyến cáo để nâng cao cảnh giác của khách hàng. Ngân hàng cho biết một số đối tượng đã giả mạo ngân hàng, sử dụng những thủ đoạn trên để lừa đảo khách hàng.
Khi nhận được thẻ giả khách hàng sẽ thấy thẻ này được làm bằng tấm nhựa bình thường, có thông tin sơ sài, mẫu mã kém thẩm mỹ, tên Ngân hàng trên thẻ gần giống với tên đầy đủ của PVcomBank nhưng tên viết tắt là VPB – gần giống với tên viết tắt của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.
Điều này không chỉ khiến cho khách hàng bị lừa đảo tài sản mà còn đứng trước nhiều nguy cơ bị rò rỉ, đánh cắp thông tin cá nhân.
Kẻ gian có thể đánh cắp thông tin thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản
Giả mạo nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tài sản
Tương tự với ví dụ trên, ở hình thức này, kẻ gian sẽ giả mạo cán bộ, nhân viên ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo. Một số hình thức mà chúng sử dụng có thể kể đến:
- Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, mời khách hàng tham gia các thủ tục như vay vốn, gửi tiền, sau đó yêu cầu khách hàng nộp phí.
- Yêu cầu khách hàng cung cấp các số thẻ, mã OTP. Kẻ gian có thể đã nắm được một số thông tin cơ bản của khách hàng như họ tên, số điện thoại, thậm chí cả địa chỉ nhà. Khi khách hàng cung cấp mã OTP và thông tin, chúng sẽ chiếm đoạt tiền từ nền tảng thanh toán online, ví điện tử…
Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi nên người dân nếu không cảnh giác sẽ rất khó phát hiện ra.
Giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng
Kẻ xấu có thể mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn có chứa đường dẫn giả với nội dung thông báo như nâng cấp hệ thống, xác thực tài khoản hay cảnh báo đăng nhập và yêu cầu khách hàng truy cập và làm theo hướng dẫn. Nếu truy cập vào đó, có thể dẫn đến việc thông tin tài khoản tín dụng bị hack, tạo cơ hội cho kẻ gian chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Một trong các mẫu tin nhắn giả mạo mà kẻ gian có thể sử dụng
Thông qua tin nhắn, gọi điện, khách hàng sẽ nhận được thông báo phê duyệt khoản vay tín chấp, với cách thức gọi điện và gửi tin nhắn rất giống với ngân hàng, khó có thể phân biệt được. Sau đó chúng sẽ gửi thẻ giả qua đường bưu điện và yêu cầu nộp tiền bảo hiểm thẻ/phí làm thẻ từ 2 đến 3 triệu đồng. Ngay khi chuyển tiền cho chúng, khách hàng sẽ không thể liên lạc lại với số điện thoại chào mời mở thẻ.
Phải làm gì để hạn chế bị lừa đảo?
Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi và có nhiều biến tướng, ngân hàng cũng có nhiều biện pháp cảnh báo và xử lý để bảo vệ người dùng. Tuy nhiên, chính khách hàng cũng cần phải nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn này.
Để có thể phòng tránh, trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Tìm hiểu rõ các quy trình về mở thẻ, vay vốn khi có nhu cầu để tránh bị kẻ gian lợi dụng.
- Cẩn trọng với các cuộc gọi, tin nhắn, email của cá nhân, tổ chức nhận mình là ngân hàng.
- Kiểm tra và xác nhận lại thông tin với ngân hàng trong trường hợp nghi ngờ.
- Không nạp tiền, chuyển tiền cho cá nhân, tổ chức tự xưng là ngân hàng khi chưa xác minh thông tin.
- Không cung cấp các thông tin cá nhân để tránh bị lấy cắp và sử dụng trái phép.
- Không truy cập vào các đường link, website lạ để tránh nguy cơ bị đánh cắp tài khoản.
- Giữ lại các chứng từ, hóa đơn thanh toán để dễ đối chiếu khi cần.
- Cẩn trọng khi rút tiền, sử dụng thẻ ở nơi công cộng để tránh lộ mã PIN và số thẻ.
- Kiểm tra, xác nhận hoặc báo lại ngay cho ngân hàng khi phát hiện các giao dịch, hành vi bất thường.
Trên đây là một số thủ đoạn giả mạo làm thẻ tín dụng mà kẻ gian có thể thực hiện, hy vọng bạn sẽ trang bị thêm nhiều kiến thức để bảo vệ bản thân trước những thủ đoạn này.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất