avatart

khach

icon

Rủi ro thanh khoản là gì? Quản lý rủi ro đối với ngân hàng thương mại

Thị trường tài chính

- 08/08/2022

0

Thị trường tài chính

08/08/2022

0

Rủi ro thanh khoản nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra tác động xấu đối với hệ thống tài chính ngân hàng. Vậy rủi ro thanh khoản là gì và làm thế nào để kiểm soát rủi ro?

Mục lục [Ẩn]

Rủi ro thanh khoản là một trong những loại rủi ro mà bất cứ ngân hàng thương mại nào cũng có thể phải đối mặt. Chỉ khi hiểu được các nguyên nhân hình thành loại rủi ro này mới có thể giúp cho ngân hàng đưa ra biện pháp kịp thời để kiểm soát và hạn chế hậu quả của nó.

Rủi ro thanh khoản là gì?

Rủi ro thanh khoản có thể xảy ra với bất cứ cá nhân, tổ chức nào, tuy nhiên thông thường khi nhắc đến rủi ro thanh khoản thường gắn liền với các rủi ro trong hoạt động tài chính ngân hàng. Bởi vậy trong bài viết này chỉ đề cập đến rủi ro thanh khoản ngân hàng.

Khái niệm rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản (Liquidity risk) là một thuật ngữ trong lĩnh vực tài chính, chỉ các rủi ro có thể xảy ra khi ngân hàng không thể thực hiện các chức năng thanh toán, không thể chuyển đổi tài sản ra tiền mặt.

Rủi ro thanh khoản được xếp vào một trong ba loại rủi ro trọng yếu mà các ngân hàng có thể gặp phải. 

Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Thông tư 13/2018/TT-NHNN thì rủi ro thành khoản là rủi ro xảy ra ở các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn hoặc có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nhưng phải trả chi phí cao hơn mức phí bình quân của thị trường, theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

khái niệm về rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản là một trong những loại rủi ro mà hầu hết các ngân hàng đều có thể gặp phải

Phân loại rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản ngân hàng được phân chia thành hai loại là rủi ro thanh khoản nguồn vốn và rủi ro thanh khoản thị trường.

- Rủi ro thanh khoản nguồn vốn được hiểu là các rủi ro phát sinh khi ngân hàng không thể đáp ứng được yêu cầu khi đến hạn thanh toán các nghĩa vụ nợ hoặc các nguồn tiền bất thường.

Rủi ro nguồn vốn được hình thành dựa trên khả năng của ngân hàng trong việc nắm giữ các nguồn tài trợ có sẵn để thu hút thêm các nguồn tài trợ khác khi cần và tài trợ cho việc tăng trưởng tài sản.

Tuy đây là loại rủi ro có thể đo lường, dự tính và kiểm soát nhưng cũng vô cùng nguy hiểm khi được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra các cuộc khủng hoảng lớn cho các ngân hàng trong lịch sử.

- Rủi ro thanh khoản thị trường là loại rủi ro xảy ra khi các tác động trong nền kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng thương mại, khiến các khoản đầu tư lớn bị ảnh hưởng do bị ngân hàng mất khả năng thanh khoản.

Được hình thành từ các ảnh hưởng, sự kiện xảy ra trong nền kinh tế nên khác với rủi ro nguồn vốn, loại rủi ro này vượt ngoài tầm kiểm soát của cả các ngân hàng và chính phủ.

Nguyên nhân gây ra tình trạng mất khả năng thanh khoản ở các ngân hàng thương mại

Khi tìm hiểu về rủi ro thanh khoản cần xem xét cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

* Nguyên nhân khách quan

Các nguyên nhân khách quan là các yếu tố bên ngoài tác động đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, có thể kể đến gồm:

- Sự tác động của lãi suất đến các loại tài sản chính: Mọi biến động của lãi suất đều có thể ảnh hưởng đến dòng tiền gửi và tiền cho vay của ngân hàng, do thay đổi về lãi suất sẽ tác động đến tâm lý của người gửi tiền, từ đó thay đổi hành vi của họ và tác động trực tiếp đến dòng tiền.

- Ảnh hưởng của chính sách tiền tệ do ngân hàng trung ương ban hành: Khi ngân hàng trung ương ban hành chính sách tiền tệ để quản lý cung tiền trong thị trường tài chính thì bắt buộc phải sử dụng các công cụ là nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu và tái chiết khấu.

Mà cả ba công cụ này đều ảnh hưởng lớn đến hoạt động và khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại, đặc biệt là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu và tái chiết khấu.

Do đó khi chính sách tiền tệ thay đổi có thể làm tăng rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng.

- Hoạt động đầu tư, kinh doanh của khách hàng: Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của khách hàng cũng có tác động lớn đến khả năng thanh khoản của ngân hàng, đặc biệt theo chu kỳ vào giai đoạn cuối năm.

Lúc này các nhu cầu đầu tư, kinh doanh hoặc chi trả để thanh toán tăng mạnh (trả lương, giải ngân hoặc thanh toán nợ…) làm tăng nhu cầu về tiền và gây áp lực lên nhu cầu thanh khoản của ngân hàng.

- Các biến động của thị trường như khủng hoảng kinh tế, lạm phát… cũng tạo ra sức ép lớn cho các ngân hàng thương mại. 

- Ngoài ra, các tin đồn thất thiệt cũng có thể gây ra sự mất cân đối trong hoạt động đầu tư và cho vay của các ngân hàng, khiến cho ngân hàng phải đối mặt với nhiều bất lợi.

* Nguyên nhân chủ quan

Ngoài ra, chính các hoạt động của ngân hàng cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng rủi ro thanh khoản.

Việc các ngân hàng vay mượn quá nhiều và việc sử dụng các khoản tiền ngắn hạn như tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn để dầu tư dài hạn có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng về thời hạn giữa sử dụng vốn và nguồn vốn.

Khi đó nếu nguồn lợi thu về từ các khoản tiền đầu tư không thể cân bằng với số tiền phải bỏ ra để chi trả tiền lãi phát sinh thì có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản. 

Ảnh hưởng của rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng thương mại mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế.

* Đối với ngân hàng thương mại

Trước tiên rủi ro thanh khoản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngân hàng thương mại. Việc mất khả năng thanh toán buộc các ngân hàng phải chấp nhận các khoản phí tổn để có được nguồn cung đáp ứng các nhu cầu thanh khoản gấp rút, điều kiện vay vốn trên thị trường cũng gặp nhiều khó khăn làm giảm tài sản và lợi nhuận của ngân hàng.

Đặc biệt rủi ro càng tăng cao thì ngân hàng càng có nguy cơ đối mặt với tình trạng đình trệ hoạt động, uy tín giảm nên có thể mất thêm nhiều khách hàng.

Tình trạng mất khả năng thanh khoản cao có thể đẩy ngân hàng đến bờ vực sụp đổ, đứng trước nguy cơ phá sản hoặc sáp nhập. Khi đó ngân hàng cần có sự trợ giúp từ các bên khác, thông thường Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra với vai trò người cho vay cuối cùng, để giúp ngân hàng thương mại thoát khỏi tình trạng này và đảm bảo không gây ra sự mất ổn định của cả hệ thống ngân hàng.

* Đối với các khách hàng của ngân hàng thương mại

Các khách hàng gửi tiền vào ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng khi rủi ro thanh khoản xảy ra. 

Việc rút tiền của khách hàng khi không được đáp ứng sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, các kế hoạch chi tiêu, sản xuất, kinh doanh.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng, dẫn đến việc nghi ngờ năng lực và uy tín của ngân hàng. Tình trạng này diễn ra ở nhiều cá nhân có thể làm tăng nguy cơ đồng loạt rút tiền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ vay mượn trong nền kinh tế, cản trở sự lưu chuyển vốn.

ảnh hưởng của rủi ro thanh khoản

Rủi ro thanh khoản sẽ tác động vô cùng nghiêm trọng đến các ngân hàng nếu không được kiểm soát tốt

* Đối với nền kinh tế - xã hội

Rủi ro thanh khoản khiến cho các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc huy động vốn, hoạt động tín dụng và cung ứng vốn cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt khi rủi ro thanh khoản xảy ra ở một ngân hàng thương mại mà không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến sự bất an ở khách hàng, kéo theo hàng loạt hệ lụy, thậm chí ảnh hưởng đến các ngân hàng khác và dẫn đến sự sụp đổ của cả hệ thống ngân hàng.

Đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển, chi phối đến nền kinh tế toàn cầu thì rủi ro thanh khoản còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ chính trị, gây ảnh hưởng đến cả các quốc gia khác.

Quản trị rủi ro thanh khoản

Với những ảnh hưởng của rủi ro thanh khoản đến thị trường, việc quản trị rủi ro vô cùng quan trọng. Quản trị rủi ro thanh khoản là hoạt động quản lý gồm xác định, nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các thiệt hại từ những rủi ro gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Quản trị rủi ro hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại mà còn là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Quản trị rủi ro của ngân hàng thương mại

Trước tiên, việc quản trị rủi ro được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. 

Ngân hàng thương mại , chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thực hiện quản lý thanh khoản đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh, đơn vị phụ thuộc khác của ngân hàng thương mại, chi nhánh, ngân hàng nước ngoài. Việc quản lý được thực hiện với đồng Việt Nam và cả ngoại tệ. Đối với ngoại tệ tối thiểu quản lý đô la Mỹ, bao gồm cả các loại ngoại tệ khác được chuyển đổi thành đô la Mỹ.

Để thực hiện việc quản lý rủi ro, các ngân hàng thương mại có thể thực hiện các biện pháp như:

* Cơ cấu tài sản nợ và tài sản có: Các ngân hàng cần phải xem lại cơ cấu danh mục tài sản nợ, tài sản có để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra. 

* Phát hành giấy tờ có giá và điều chỉnh cơ cấu cho vay: Ngoài việc cơ cấu lại tài sản, các ngân hàng nên phát hành thêm giấy tờ có giá và điều chỉnh cơ cấu và giảm cho vay vào các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng.

Bên cạnh đó ngân hàng nên duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đối phó với rủi ro thanh khoản khi thị trường có biến động.

Quản lý rủi ro của Ngân hàng Nhà nước

Quản lý rủi ro còn là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành việc quản lý một cách gián tiếp bằng việc hỗ trợ các ngân hàng thương mại thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, cụ thể như sau:

  • Đối với các ngân hàng thương mại có quy mô lớn mà có nhiều giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn thì việc hỗ trợ thanh khoản được thực hiện thông qua nghiệp vụ thị trường.
  • Đối với các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ, ít có khả năng cạnh tranh trên thị trường thì việc hỗ trợ thanh khoản được thực hiện thông qua các công cụ tái cấp vốn. Tuy nhiên việc hỗ trợ này chỉ mang tính chất ngắn hạn và tạm thời, các ngân hàng vẫn nên chủ động trong việc quản trị rủi ro.

Quy định pháp luật về quản lý rủi ro thanh khoản của ngân hàng

Để việc quản trị rủi ro được diễn ra hiệu quả, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các quy định cụ thể về quản lý trong Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Việc quản lý rủi ro phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu như:

- Duy trì đủ tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong điều kiện ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động bình thường và cả khi gặp các bất lợi về thanh khoản.

- Quản lý thanh khoản theo các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 49 Thông tư 13/2018/TT-NHNN:

  • Quản lý thanh khoản trong ngày để đảm bảo thanh khoản trong ngày, đồng thời dự báo các tình huống làm thay đổi bất thường thanh khoản và đề ra các biện pháp xử lý kịp thời.
  • Quản lý tài sản có tính thanh khoản cao theo giá trị thị trường và khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để đáp ứng yêu cầu thanh khoản trong cả điều kiện bình thường và khi gặp khó khăn.
  • Quản lý nguồn vốn huy động đảm bảo thống kê số dư bình quân tiền gửi không kỳ hạn, số dư tiền gửi có thể duy trì ổn định và các chỉ số khác về nguồn huy động vốn.
  • Quản lý dòng tiền tối thiểu để đảm bảo lập thang kỳ hạn cho hôm sau và theo thời gian cụ thể như 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.
  • Quản lý nguồn thanh khoản đảm bảo đánh giá khả năng tiếp cận các nguồn thanh khoản để giải quyết nhu cầu thanh khoản của ngân hàng trong tương lai.

- Xác định được chi phí đáp ứng nhu cầu thanh khoản và rủi ro trong việc định giá vốn nội bộ, đánh giá kết quả kinh doanh đối với các hoạt động trọng yếu. 

Cách nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thanh khoản

Hoạt động quản lý rủi ro thanh khoản được thực hiện theo quy trình sau:

  • Nhận dạng rủi ro thông qua các dấu hiệu của thị trường
  • Phân tích rủi ro
  • Đo lường rủi ro
  • Kiểm soát, phòng ngừa rủi ro thanh khoản
  • Tài trợ rủi ro thanh khoản

Trong đó ba hoạt động quan trọng nhất là nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro.

* Nhận dạng rủi ro

Việc nhận dạng rủi ro là bước đầu tiên trong hoạt động quản trị, chỉ khi nhận dạng được rủi ro mới có thể tiến hành các biện pháp khác. Để nhận dạng rủi ro cần phải tiến hành các biện pháp phân tích và đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Sử dụng các biện pháp để phân tích nhu cầu thanh khoản, nguồn thanh khoản của các hoạt động kinh doanh, cơ cấu tài sản/nợ phải trả, dòng tiền của các khoản mục nội bảng, ngoại bảng và khả năng tiếp cận thanh khoản trên thị trường.
  • Nghiên cứu các rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro danh tiếng… để nhận dạng rủi ro thanh khoản tiềm ẩn phát sinh từ các loại rủi ro này.

* Đo lường, theo dõi rủi ro thanh khoản

Sau khi nhận dạng được rủi ro, cần phải tiến hành đo lường và theo dõi rủi ro, quy trình này phải đảm bảo các yêu cầu như sau:

- Cần có công cụ đo lường rủi ro thanh khoản đối với:

  • Dòng tiền tương lai của tài sản/nợ phải trả
  • Nhu cầu thanh khoản bất thường và các trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ của các khoản ngoại bảng
  • Đồng tiền giao dịch
  • Các hoạt động ngân hàng đại lý, lưu ký và thanh toán.

- Trong quá trình đo lường rủi ro thanh khoản cần liên tục theo dõi việc tuân thủ tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn cùng các tỷ lệ thanh khoản khác.

* Kiểm soát rủi ro

Việc kiểm soát rủi ro được tiến hành bằng các biện pháp nghiệp vụ của ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Trạng thái rủi ro thanh khoản phải đảm bảo tuân thủ các hạn mức rủi ro thanh khoản
  • Có các chỉ tiêu cảnh báo sớm về rủi ro thanh khoản để có các biện pháp xử lý thiếu hụt thanh khoản tạm thời và dài hạn.

Chỉ khi quản lý rủi ro thanh khoản thì mới đảm bảo được sự ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, do đó các ngân hàng thương mại cần đưa ra các biện pháp và chiến lược để ổn định hoạt động của mình.

Bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc rủi ro thanh khoản là gì. Đây là một trong những rủi ro có ảnh hưởng vô cùng lớn đến thị trường nên việc tìm hiểu về rủi ro thanh khoản là vô cùng quan trọng.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *