8 quy định về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Mục lục [Ẩn]
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là gì?
Căn cứ Khoản 1, Điều 4, Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH 2019 (Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam), bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Trong đó:
- Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là gì?
Chức năng của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Chức năng của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là:
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thông qua việc đảm bảo chi trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi nếu chẳng may tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả hoặc phá sản.
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tính.
- Đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh trong hoạt động của các ngân hàng.
8 quy định về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Tiền gửi được bảo hiểm
Căn cứ Điều 18, Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH 2019 - Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quy định như sau:
Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức:
- Tiền gửi có kỳ hạn
- Tiền gửi không kỳ hạn
- Tiền gửi tiết kiệm
- Chứng chỉ tiền gửi
- Kỳ phiếu
- Tín phiếu
- Các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Mô hình bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam
Tiền gửi không được bảo hiểm
Căn cứ Điều 19, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tiền gửi không được bảo hiểm bao gồm:
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.
- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là:
- Thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó
- Tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.
Phí bảo hiểm tiền gửi
Phí bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Điều 20, Văn bản hợp nhất 31/VBHN-VPQH 2019 như sau:
- Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.
- Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
- Phí bảo hiểm tiền gửi được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trực thuộc cơ quan quản lý nào?
Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm
Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm kể từ thời điểm:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản; hoặc
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
(Căn cứ Điều 23, Luật Bảo hiểm tiền gửi)
Thời hạn trả tiền bảo hiểm
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi.
(Căn cứ Điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi)
Hạn mức trả tiền bảo hiểm
- Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
- Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.
(Căn cứ Điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi)
Xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm
Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
(Căn cứ Điều 27, Luật Bảo hiểm tiền gửi)
Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi
Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Điều 11, Luật Bảo hiểm hiểm tiền gửi như sau:
- Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định.
- Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn.
- Được quyền yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi.
- Được quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
- Người được bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.
Các quy định về bảo hiểm tiền gửi
Thủ tục trả tiền bảo hiểm
Bước 1: Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
- Văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm
- Danh sách người được bảo hiểm tiền gửi
- Số tiền gửi của từng người được bảo hiểm tiền gửi
- Số tiền bảo hiểm đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả.
Bước 2: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra theo quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải thực hiện các công việc sau:
- Có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi
- Thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam
- Niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.
Bước 4: Người được bảo hiểm tiền gửi đến địa điểm trả tiền bảo hiểm theo thời gian đã thông báo để nhận tiền bảo hiểm.
Lưu ý: Cần mang theo các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi nhận tiền bảo hiểm.
Bước 5: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trực tiếp trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi hoặc ủy quyền cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khác thực hiện.
Lưu ý:
- Sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu nhà nước và bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- Người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không có quyền yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả số tiền bảo hiểm đó.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trực thuộc cơ quan quản lý nào?
Căn cứ Khoản 2, Điều 8, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy, mô hình bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam giúp người gửi tiền yên tâm hơn gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khi quyền và lợi ích hợp của họ luôn được đảm bảo ngay cả khi tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất