Bảo hiểm là hoạt động mà tại đó những người tham gia bảo hiểm có quyền được hưởng các khoản tiền chi trả bảo hiểm cho những trường hợp xảy ra rủi ro ngoài ý muốn. Trong hoạt động bảo hiểm, người tham gia thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, còn bên cung cấp sản phẩm bảo hiểm sẽ có trách nhiệm hỗ trợ chi trả một phần chi phí cho rủi ro đã thỏa thuận giữa hai bên. Mức chi trả bảo hiểm được quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm. Vậy đối tượng bảo hiểm là gì?
Đối tượng bảo hiểm là gì?
Đối tượng bảo hiểm là những đối tượng chịu rủi ro trực tiếp và có quyền lợi được bảo hiểm khi xảy ra các sự kiện bảo hiểm, quy định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm. Mỗi loại hình bảo hiểm sẽ có một đối tượng bảo hiểm riêng.
Về cơ bản đối tượng bảo hiểm sẽ chia thành các loại sau đây:
- Đối tượng bảo hiểm con người;
- Đối tượng bảo hiểm tài sản;
- Đối tượng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Như vậy đối tượng bảo hiểm có thể là con người, tài sản, trách nhiệm dân sự hay các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
Xác định đối tượng bảo hiểm cho các loại hình bảo hiểm
Đối tượng của bảo hiểm nhân thọ
Khoản 1, Điều 31, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định rõ: "1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người".
Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ là loại hình thuộc bảo hiểm con người cho nên đối tượng của bảo hiểm nhân thọ chính là:
- Sức khỏe
- Thân thể
- Tính mạng con người
Bảo hiểm nhân thọ chỉ bảo vệ cho những rủi ro không lường trước. Nếu như có rủi ro xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể, tính mạng của người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng hợp pháp của họ sẽ nhận được khoản tiền bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả. Trái lại, người ký kết hợp đồng bảo hiểm cũng có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm đầy đủ khi đến kỳ hạn cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối tượng bảo hiểm là gì?
Bảo hiểm nhân thọ là giải pháp bảo vệ, dự phòng rủi ro hiệu quả. Đối tượng khách hàng của bảo hiểm nhân thọ rất đa dạng, miễn sao nằm trong độ tuổi quy định của sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng nên ưu tiên mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là các đối tượng sau:
- Gia đình có con nhỏ: Những gia đình có con nhỏ sẽ cần nhiều chi phí lo toan như chăm sóc, giáo dục, y tế... Bởi vậy tham gia bảo hiểm nhân thọ sẽ là giải pháp giúp các bậc cha mẹ có thêm sự chuẩn bị tài chính để chi trả một phần chi phí y tế, giáo dục, thậm chí là một khoản tiền cho tương lai của con sau này. Chưa kể nếu cha mẹ chẳng may gặp rủi ro thì cuộc sống của con cái vẫn được đảm bảo khi có sự hỗ trợ tài chính đến từ bảo hiểm nhân thọ. Tham khảo thêm các sản phẩm bảo hiểm dành cho con tốt nhất hiện nay để có sự lựa chọn đúng đắn nhất.
- Người trụ cột trong gia đình: Đây là người nên ưu tiên mua bảo hiểm nhân thọ vì người trụ cột là đối tượng trực tiếp lao động và tạo ra thu nhập chính cho gia đình. Từ nguồn thu nhập này mới chi trả mọi chi phí liên quan sinh hoạt, học hành, y tế đến các khoản khác. Nếu chẳng may người trụ cột gặp biến cố ảnh hưởng sức khỏe hoặc tính mạng, sự thiếu hụt về nguồn thu nhập có thể được sẻ chia thông qua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Với số tiền chi trả những người phụ thuộc sẽ được đảm bảo tài chính trong một thời gian nhất định để ổn định cuộc sống và chuẩn bị cho tương lai. Nếu bạn là trụ cột của gia đình, có nhiều người phụ thuộc vào thu nhập của bản thân và không có một khoản tiền tiết kiệm lớn thì việc tham gia bảo hiểm sẽ là điều cần thiết. Xem thêm các gói bảo hiểm nhân thọ tốt nhất cho gia đình hiện nay.
- Người lớn tuổi không có tiền tiết kiệm: Những người trong độ tuổi nghỉ hưu không có nhiều tiền tiết kiệm, không có lương hưu thì có thể lựa chọn tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phù hợp, nhằm giúp họ có khoản lương hưu khi về già để sống an nhàn hoặc chi trả cho các chi phí y tế tuổi già mà không phải sống phụ thuộc con cái. Lúc này những gói bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ là sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Bởi vì đối tượng bảo hiểm nhân thọ đặc thù cho nên khi tham gia bảo hiểm nhân thọ cần đặc biệt chú ý các yếu tố về sức khỏe, tuổi tác, nghề nghiệp và tài chính. Đặc biệt tính trung thực trong bảo hiểm nhân thọ rất quan trọng, mọi thông tin khai báo của bạn đều là cơ sở chi trả quyền lợi bảo hiểm về sau, cho nên hãy thành thật trong việc kê khai thông tin liên quan. Tìm hiểu thêm những đối tượng không được mua bảo hiểm nhân thọ để biết mình có được tham gia bảo hiểm nhân thọ hay không?
Đối tượng của bảo hiểm tài sản
Đối tượng của bảo hiểm tài sản được quy định theo Điều 40 Luật kinh doanh bảo hiểm, cụ thể:
“Điều 40. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.”
Bảo hiểm tài sản là loại hình bảo hiểm cho vật chất và tài sản. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm các bên xác định ngay được giá trị bảo hiểm của các đối tượng bảo hiểm. Khi rủi ro xảy ra, bên bảo hiểm có trách nhiệm phải bồi thường cho bên được bảo hiểm dựa trên quy định trong hợp đồng và giá trị thiệt hại trên thực tế.
Đối tượng của bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Theo Điều 52, Luật kinh doanh bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm trách nhiệm dân sự được quy định như sau:
“Điều 52. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.”
Như vậy đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm dân sự được hiểu đơn giản là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người tham gia bảo hiểm. Trong đó, người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự phải bồi thường bằng tài sản của mình, gánh chịu việc bù đắp những thiệt hại về vật chất và tổn thất tinh thần do hành vi của mình gây ra cho người khác.
Một người chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại khi:
- Có thiệt hại xảy ra: Chỉ khi có thiệt hại xảy ra thì mới phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ tổn thất cho người thiệt hại. Vì thế cần phải xác định thiệt hại có xảy ra hay không và thiệt hại ở mức độ như thế nào. Các thiệt hại như hủy hoại tài sản, mất mát, hư hỏng, nguồn thu nhập bị mất… khi xảy ra sẽ được tính thành tiền.
- Có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật: Đây là những hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền lợi của các chủ thể khác không phù hợp với quy định của pháp luật.
- Có mối quan hệ giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật: Khi những hành vi trái pháp luật gây ra những thiệt hại thì phải bồi thường cho thiệt hại đó.
- Người gây thiệt hại có lỗi: Thiệt hại xảy ra có thể do hành vi vô ý hoặc cố ý gây ra. Vì bảo hiểm có tính chất bảo hiểm cho rủi ro nên trong trường hợp lỗi do vô ý gây ra mới được bảo hiểm.
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Như vậy đối tượng bảo hiểm chính là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của rủi ro, có thể là con người, tài sản, trách nhiệm dân sự hay các đối tượng khác theo quy định của pháp luật. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã phân biệt được đối tượng bảo hiểm và cách xác định đối tượng bảo hiểm đối với từng loại hình bảo hiểm. Nếu còn thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ với chuyên viên tài chính của TheBank để được tư vấn miễn phí.
Bình luận
Nội quy : nhận xét có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu. Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần bị baned nick.