Nợ ngắn hạn là gì? Nợ ngắn hạn phản ánh điều gì?
Mục lục [Ẩn]
Để vận hành hoạt động kinh doanh, ngoài vốn ban đầu và các tài sản hiện có, doanh nghiệp có thể thực hiện các khoản vay ngắn hạn để xoay vòng vốn. Nợ ngắn hạn cho biết các khoản tiền mà doanh nghiệp còn phải thanh toán trong một năm, đồng thời phản ánh khả năng quay vòng vốn của một doanh nghiệp.
Nợ ngắn hạn là gì?
Nợ ngắn hạn tiếng Anh là Current Liabilities, định nghĩa về nợ ngắn hạn hiện nay được quy định trong Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, theo đó có thể hiểu:
Nợ ngắn hạn là tổng các khoản nợ mà doanh nghiệp còn phải trả mà có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc thấp hơn một chu kỳ kinh doanh, sản xuất thông thường.
Nợ ngắn hạn thường là những khoản vay được dùng để giải quyết các vấn đề phát sinh bất ngờ, mang tính chất thời vụ. Chính vì có thời hạn thanh toán thấp nên doanh nghiệp thường sử dụng các tài sản lưu động (các loại tài sản được sử dụng hết trong một năm như tiền mặt, các khoản thu, tiền khách hàng nợ) để thanh toán các khoản vay này.
Ví dụ: Các khoản vay để đầu tư mua nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh mà có thời hạn thanh toán là 7 tháng thì được xác định là nợ ngắn hạn.
Nợ ngắn hạn là những khoản nợ có thời hạn thanh toán còn lại dưới 1 năm
Các khoản nợ ngắn hạn trên Bảng cân đối kế toán và ý nghĩa của chúng
Nợ ngắn hạn sẽ được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp, tùy vào tình hình kinh doanh mà các khoản này có thể nhiều hoặc ít.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại điểm e mục 1.4 khoản 1 Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC về việc lập và trình bày Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp, nợ ngắn hạn bao gồm các khoản sau:
- Các khoản vay và nợ phải trả người bán ngắn hạn
- Người mua phải trả người bán ngắn hạn
- Người mua trả tiền trước ngắn hạn
- Thuế và các khoản tiền phải nộp cho Nhà nước
- Các khoản phải trả người lao động
- Các chi phí phải trả trong ngắn hạn
- Phải trả nội bộ ngắn hạn
- Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
- Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn
- Phải trả ngắn hạn khác
- Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn
- Dự phòng phải trả ngắn hạn
- Quỹ khen thưởng, phúc lợi
- Quỹ bình ổn giá
- Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Mỗi khoản trên đều được quy định bằng một mã số nhất định và thể hiện Bảng cân đối kế toán. Doanh nghiệp cần nắm được ý nghĩa của từng khoản mục này thì mới xác định được nợ ngắn hạn phản ánh điều gì. Dưới đây là chi tiết từng khoản nợ trên Bảng cân đối kế toán.
Phải trả người bán ngắn hạn (Mã số 311)
Đây là số tiền mà doanh nghiệp còn phải trả cho người bán có thời hạn thanh toán còn lại dưới 12 tháng hoặc phải thanh toán trong một chu kỳ sản xuất, thường được tính tại thời điểm báo cáo.
Người mua trả tiền trước ngắn hạn (Mã số 312)
Trong quá trình kinh doanh không thể tránh khỏi việc phải chi tiêu cho các khoản đầu tư doanh nghiệp.
Khoản nợ này phản ánh số tiền người mua ứng trước để mua sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, bất động sản đầu tư hoặc tài sản cố định và doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh, sản xuất thông thường.
Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (Mã số 313)
Một số khoản phí và thuế phải nộp cho Nhà nước thường có tính định kỳ nên được xếp vào nhóm nợ ngắn hạn. Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền mà doanh nghiệp còn phải nộp cho Nhà nước tại thời điểm lập báo cáo, thường gồm thuế, phí, lệ phí và một số khoản tiền khác.
Phải trả người lao động (Mã số 314)
Các khoản phải trả cho người lao động thường diễn ra hàng tháng, quý hoặc năm bởi vậy được xếp vào nhóm nợ ngắn hạn. Chỉ tiêu này phản ánh các khoản mà doanh nghiệp còn phải thanh toán cho người lao động tại thời điểm lập báo cáo.
Chi phí phải trả ngắn hạn (Mã số 315)
Chi phí phải trả ngắn hạn phản ánh các khoản nợ còn phải thanh toán do doanh nghiệp đã nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa có hóa đơn hoặc các khoản chi phí của kỳ báo cáo chưa có đủ tài liệu, hồ sơ.
Tuy nhiên đây là các khoản chắc chắn sẽ phát sinh và phải được tính trước vào chi phí sản xuất kinh doanh, đồng thời sẽ phải thanh toán trong vòng 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh tiếp theo như trích trước tiền lương nghỉ phép, lãi vay phải trả…
Phải trả nội bộ ngắn hạn (Mã số 316)
Các khoản phải trả nội bộ có kỳ hạn thanh toán còn lại dưới 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh giữa đơn vị cấp trên với đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong cùng một doanh nghiệp được gọi xác định là khoản phải trả nội bộ ngắn hạn.
Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (Mã số 317)
Đây là chỉ tiêu phản mức chênh lệch giữa tổng số tiền lũy kế mà khách hàng phải thanh toán theo tiến độ kế hoạch lớn hơn tổng số doanh thu đã ghi nhận lũy kế tương ứng với phần công việc đã hoàn thành đến cuối kỳ báo cáo của các hợp đồng xây dựng còn dở dang và đang thực hiện.
Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (Mã số 318)
Các khoản doanh thu chưa thực hiện nhưng tương ứng với phần nghĩa vụ mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện trong vòng 12 tháng tiếp theo hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh mới cũng được tính vào nợ ngắn hạn và được xếp vào mục doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn.
Phải trả ngắn hạn khác (Mã số 319)
Ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu khác, một số khoản mà doanh nghiệp phải thanh toán có thời hạn dưới 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh như:
- Giá trị tài sản phát hiện thừa chưa rõ nguyên nhân
- Các khoản phải nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn
- Các khoản ký cược, ký quỹ ngắn hạn
- …
Các khoản phí này sẽ được xác định là nợ phải trả ngắn hạn khác.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (Mã số 320)
Đối với các khoản doanh nghiệp đi vay, còn nợ các tổ chức, ngân hàng, công ty tài chính hoặc các đối tượng khác mà có kỳ hạn thanh toán còn lại dưới 12 tháng tại thời điểm báo cáo sẽ được xác định là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Nợ ngắn hạn được thể hiện chi tiết trong Bảng cân đối kế toán
Dự phòng phải trả ngắn hạn (Mã số 321)
Trên thực tế đây không phải là một khoản nợ mà là khoản chi phí dự phòng doanh nghiệp ước tính dự kiến phải trả không quá 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất kinh doanh tiếp theo.
Các khoản tiền này chỉ mang tính chất phỏng đoán, chưa có khẳng định chắc chắn về thời gian và số tiền, được tính toán dựa vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Một số khoản phí có thể nằm trong mục này là:
- Dự phòng bảo hành hàng hóa, sản phẩm hay công trình xây dựng
- Dự phòng tái cơ cấu
- Một số khoản phí trích trước để sửa chữa tài sản cố định theo đinh kỳ
- Chi phí hoàn nguyên môi trường trích trước
- …
Quỹ khen thưởng, phúc lợi (Mã số 322)
Các chi phí thuộc quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi hay quỹ thưởng ban quản lý điều hành mà chưa sử dụng tài thời điểm báo cáo cũng được xếp vào nợ ngắn hạn.
Quỹ bình ổn giá (Mã số 323)
Chỉ tiêu này phản ánh các quỹ bình ổn giá hiện có tại thời điểm mà doanh nghiệp lập báo cáo.
Giao dịch mua bán lại trái phiếu của Chính phủ (Mã số 324)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo.
Nợ ngắn hạn phản ánh điều gì?
Nhìn vào các khoản được xác định là nợ ngắn hạn trong Bảng cân đối kế toán, có thể thấy đây đều là những khoản nợ được sử dụng vào mục đích duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
Nợ ngắn hạn được xem là một trong những khoản tất yếu gắn liền với hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, dù ở lĩnh vực nào. Đây không chỉ là khoản vay thông thường mà còn phản ánh nhiều góc độ quan trọng về tình hình kinh tế của doanh nghiệp.
Nhìn vào các khoản nợ ngắn hạn, các nhà đầu tư và phân tích có thể đánh giá được một phần tình hình tài chính của doanh nghiệp, công ty đó liệu có đủ tài sản lưu động để giải quyết các khoản nợ ngắn hạn hay không.
Các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hai chỉ số là hệ số thanh toán hiện thời (current ratio), hệ số thanh toán nhanh (quick or acid-test ratio) và chỉ số tiêu vốn lưu động ròng (net working capital) để xác định khả năng tài chính của doanh nghiệp, trong đó:
- Hệ số thanh toán hiện thời được xác định bằng công thức sau:
Hệ số thanh toán hiện thời = Tài sản lưu động/Nợ ngắn hạn
- Hệ số thanh toán nhanh được xác định bằng công thức sau:
Hệ số thanh toán nhanh = Tiền và chứng khoán ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Tiền và chứng khoán ngắn hạn = Tài sản lưu động - Hàng tồn kho
- Chỉ tiêu vốn lưu động ròng được xác định bằng công thức sau:
Vốn lưu động ròng = Tài sản lưu động - Nợ ngắn hạn
Một doanh nghiệp có tỷ lệ thanh toán nợ ngắn hạn càng cao thì độ tin cậy càng cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư đưa ra quyết định “rót vốn” vào một doanh nghiệp.
Ngoài ra thông qua nợ ngắn hạn, chủ doanh nghiệp còn xác định được các khoản chi phí phát sinh trong kỳ sau so với kỳ trước, từ đó đưa ra các dự định phù hợp cho doanh nghiệp.
Bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc nợ ngắn hạn là gì, đây được xem là một trong những chỉ số phản ánh chính xác tình hình kinh doanh thực tế của một doanh nghiệp.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất