Tìm hiểu về P/E và EPS, cách định giá cổ phiếu theo P/E
Mục lục [Ẩn]
EPS là gì?
Cách tính toán EPS
EPS (Earning per share) hay lợi nhuận trên một cổ phiếu được xác định tổng quát bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế chia cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành. EPS là giá trị đo lường hữu ích cho nhà đầu tư tìm những doanh nghiệp tốt trên thị trường chứng khoán.
EPS cơ bản = (Lợi nhuận ròng - Cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/Số cổ phiếu đang lưu hành
Thông thường, số cổ phiếu đang lưu hành sẽ được lấy giá trị bình quân trong kỳ. Tương tự, lợi nhuận sau thuế được tính theo giá trị trung bình trong 4 quý liên tiếp. Nhà đầu tư có thể tìm được giá trị EPS trong báo cáo kết quả kinh doanh hoặc tự tính toán bằng lấy các thông tin từ báo cáo tài chính của một doanh nghiệp.
Xem thêm: Tổng quan về báo cáo tài chính, các vấn đề cơ bản cần nắm
EPS được xác định như nào?
Việc tính toán giá trị EPS cơ bản sẽ dành cho các doanh nghiệp không có biến động về số lượng cổ phiếu. Trên thực tế, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thường có thay đổi về số cổ phiếu lưu hành do áp dụng trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi hay mua bán cổ phiếu quỹ, cổ phiếu ESOP. Vì vậy, để chính xác hơn, EPS pha loãng sẽ được xem xét thay thế cho EPS cơ bản.
EPS pha loãng = (Lợi nhuận ròng – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/(Số cổ phiếu lưu hành + Cổ phiếu phát hành thêm)
Ý nghĩa của EPS
EPS phản ánh lợi suất mang lại tính trên mỗi cổ phiếu phổ thông. EPS tăng trưởng qua các năm thể hiện được doanh nghiệp đang đem lại lợi ích cho cổ đông. EPS cũng là yếu tố quan trọng trong xác định chỉ số P/E.
P/E được xác định như nào?
P/E là gì?
Cách tính toán P/E
P/E (Price to Earnings ratio) là mối liên hệ giữa thị giá của một cổ phiếu với thu nhập của mỗi cổ phiếu (EPS). P/E ám chỉ nhà đầu tư đang trả giá bao nhiêu cho một cổ phiếu. Theo ý nghĩa khác, P/E chỉ ra kì vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu đang cao hay thấp. Giá trị P/E cũng thể hiện thời gian hồi vốn đầu tư khi mua một cổ phiếu.
P/E = Thị giá cổ phiếu/EPS bình quân
Lưu ý: P/E chỉ chính xác khi EPS > 0 tức doanh nghiệp không thua lỗ.
P/E được phân chia thành 2 loại gồm P/E trailing (P/E hiện tại) và P/E Forward (P/E dự phóng tương lai). Trong đó, P/E Forward được tính theo dự báo lợi nhuận trong tương lai. Nhà đầu tư có thể tự tính toán hoặc tham khảo P/E Forward từ các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán.
Xem thêm: Khái niệm, phân loại, vai trò của công ty chứng khoán
Ý nghĩa của P/E Trailing và P/E Forward là gì?
Ý nghĩa của P/E
Thông thường, P/E càng cao càng thể hiện triển vọng của một cổ phiếu. Tuy nhiên, ở mức quá cao có thể là điều tiêu cực khi giá trị cổ phiếu bị thổi phồng quá mức. Ngược lại, P/E thấp cho thấy kì vọng không cao của cổ phiếu. Dù vậy, P/E thấp cũng là điểm hấp dẫn cho nhà đầu tư tìm ra các cổ phiếu đang nằm dưới giá trị thực.
Các biến số trong tính toán P/E bao gồm nhiều thành phần, vậy nên, để phân tích chính xác nhà đầu tư cần xem xét các yếu tố về chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận ổn định hay có đột biến. P/E của doanh nghiệp từng ngành nghề sẽ khác nhau, vì vậy P/E cao hay thấp nên so sánh với P/E trung bình các doanh nghiệp trong ngành.
Xem thêm: Giá trị sổ sách, chỉ số P/B là gì? Phân tích giá trị cổ phiếu theo P/B
Định giá cổ phiếu theo P/E
Tính toán được P/E, nhà đầu tư có thể dựa vào đó để định giá một cổ phiếu đang đắt hay rẻ. Cách định giá sẽ dựa trên P/E bình quân các doanh nghiệp cùng ngành của cổ phiếu được tính toán (thông thường sẽ loại bỏ các cổ phiếu có mức P/E chênh lệch quá lớn so với các doanh nghiệp khác trong ngành).
Giá trị của một cổ phiếu = EPS * P/E bình quân ngành
Một phương pháp khác để tìm ra giá trị thực của cổ phiếu đó là sử dụng chỉ số PEG. Dựa vào PEG, nhà đầu tư có thể đưa ra kết quả mang tính khách quan hơn với P/E.
PEG thể hiện mối tương quan giữa P/E với tốc độ tăng trưởng (G) lợi nhuận của một doanh nghiệp (là thành phần cấu thành chỉ số EPS). Trong đó, giá trị G được xem xét theo mức tăng trưởng lợi nhuận qua các năm.
Lưu ý, giá trị G sẽ âm trong trường hợp doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm, việc tính toán có thể đem lại kết quả thiếu tin cậy.
PEG = (P/E)/G
- PEG > 1 cho thấy cổ phiếu đang được định giá cao, giá trị của cổ phiếu đang lớn hơn so với tốc độ tăng trưởng.
- PEG < 1 cho thấy cổ phiếu đang được định giá thấp, giá trị của cổ phiếu đang thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng.
- PEG = 1, hay P/E = G cho thấy cổ phiếu đang định giá đúng với giá trị thực.
Hy vọng bài viết này đem đến cho các bạn thông tin hữu ích về các chỉ số P/E và EPS trong phân tích tài chính và định giá cổ phiếu. Nếu còn vấn đề thắc mắc và cần tư vấn miễn phí, hãy liên hệ với chúng tôi theo đường dẫn dưới đây.
Đăng ký tư vấn miễn phí
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất