avatart

khach

icon

Trục lợi bảo hiểm nhân thọ là gì? Hình thức phổ biến của trục lợi bảo hiểm

Kiến thức bảo hiểm nhân thọ

- 26/02/2024

0

Kiến thức bảo hiểm nhân thọ

26/02/2024

0

Khai tăng giá trị tổn thất, làm giả hồ sơ hay để sự việc xảy ra rồi mới chạy bảo hiểm là những hành vi trục lợi bảo hiểm phổ biến nhất hiện nay. Các hành vi trục lợi bảo hiểm xảy ra ở không ít các cá nhân, tổ chức, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm và xã hội. Vậy trục lợi bảo hiểm nhân thọ là gì? Hậu quả của trục lợi bảo hiểm?

Mục lục [Ẩn]

 Thông tin trên báo Tuổi trẻ cho thấy, tính riêng giai đoạn 2007 - 2013, trong bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam có khoảng 52.860 vụ trục lợi (có bằng chứng, các doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện ra và đã từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm) với số tiền trên 530 tỉ đồng.

Chỉ tính trong năm 2020, riêng mảng bảo hiểm nhân thọ đã chi trả xấp xỉ 28.000 tỉ đồng quyền lợi bảo hiểm. Năm 2021, con số này có thể hơn 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều không ai biết là trong số đó có chính xác bao nhiêu tiền doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả cho khách hàng trục lợi. Chỉ biết trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên nghiêm trọng và đang dần trở thành một vấn nạn. Vậy trục lợi bảo hiểm nhân thọ là gì? Những hành vi nào được xem là trục lợi bảo hiểm nhân thọ?

Trục lợi bảo hiểm nhân thọ là gì?

Trục lợi bảo hiểm là gì? Trục lợi bảo hiểm hiểu đơn giản là những hành vi mà bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cố tình gian dối, lừa đảo khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh khi đã xảy ra rủi ro nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, chiếm đoạt bất hợp pháp một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm.

Trục lợi bảo hiểm nhân thọ là hành vi mà người tham gia bảo hiểm nhân thọ cố tình lừa đảo, gian dối khi tham gia bảo hiểm nhân thọ hoặc phát sinh khi xảy ra rủi ro đối với người được bảo hiểm. Mục đích là chiếm đoạt bất hợp pháp số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mà đáng ra họ không được hưởng.

Tìm hiểu thêm: trục lợi bảo hiểm phi nhân thọ là gì? Quy định về xử phạt trục lợi bảo hiểm

truc-loi-bao-hiem-nhan-tho-01

Trục lợi bảo hiểm đang xảy ra ngày càng phức tạp

Các hành vi được xem là trục lợi bảo hiểm nhân thọ

Hiện tại, các hành vi trục lợi bảo hiểm đang diễn biến ngày càng phức tạp và đem lại những thiệt hại không nhỏ cho các công ty bảo hiểm và xã hội. Dưới đây là các hành vi được xem là trục lợi bảo hiểm:

Kê khai gian dối thông tin cá nhân

Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hành vi kê khai gian dối thông tin trên giấy yêu cầu bảo hiểm là một trong những hành vi trục lợi bảo hiểm diễn ra phổ biến hiện nay. Theo đó, để được công ty chấp nhận bảo hiểm hoặc để được bảo hiểm với phạm vi rộng hơn, nhiều người đã cố tình gian dối khi kê khai. Các thông tin thường cố tình gian lận có thể kể đến như:

  • Khai gian tuổi so với tuổi thực để được giảm phí
  • Khai gian tình trạng sức khỏe, cố tình giấu bệnh, phát hiện bệnh thì đi mua bảo hiểm
  • Khai gian việc không hút thuốc (với một số sản phẩm có điều khoản về thói quen này)
  • Thay đổi thông tin nhân thân đi khám bệnh

Dù những thông tin này rất nhỏ, nhiều người nghĩ rằng sẽ không có nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên trong bảo hiểm nhân thọ, hành vi cố tình kê khai thông tin gian dối này là rất nghiêm trọng.

Làm giả giấy tờ để trục lợi bảo hiểm

Làm giả giấy tờ, làm giả hồ sơ là một trong những hành vi trục lợi bảo hiểm khá phổ biến hiện nay. Hành vi này thường được thực hiện bằng các cách như giả mạo hồ sơ bệnh án, biết mình bị bệnh trước sau đó giả hồ sơ y tế để yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm. 

Trên thực tế, vụ trục lợi bảo hiểm theo hành vi này đã diễn ra, đó là vụ “1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm”. Theo thông tin trên báo VOV đưa tin, trong vụ án này, ông Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1987, thường trú TP Hải Phòng) bị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và 9 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tố giác "có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm".

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Khánh biết trước mình bị ung thư tuyến giáp, bằng cách giả mạo thông tin nhân thân để khám tại bệnh viện và nhận được kết quả chẩn đoán là bị ung thư tuyến giáp. Và chỉ trong thời gian từ cuối tháng 9/2019 đến đầu tháng 11/2019, ông Khánh đã có 25 yêu cầu bảo hiểm tại 15 công ty bảo hiểm và đã mua được 19 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Sau khi hết thời gian chờ theo quy định của hợp đồng bảo hiểm, ông Khánh đã hợp pháp hóa hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội và nộp hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Tính đến thời điểm phát hiện vụ việc, ông Khánh đã được 5 công ty bảo hiểm chi trả số tiền ban đầu khoảng 4 tỉ đồng. Nếu không kịp thời điều tra làm rõ, số tiền các công ty bảo hiểm sẽ phải tiếp tục chi trả có thể lên tới trên 20 tỉ đồng. Vụ việc này đã bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cố ý gây thương tích cho người được bảo hiểm và tạo hiện trường giả

Đây là một hành vi trục lợi bảo hiểm nghiêm trọng xảy ra trong bảo hiểm nhân thọ. Đơn cử có thể kể đến vụ trục lợi bảo hiểm 18 tỷ xảy ra vào tháng 5/2020 tại Đắk Nông. Vụ giết cháu trục lợi bảo hiểm này gây nóng trong dư luận và nhận được sự quan tâm của nhiều người.  

Theo bị can trong vụ án giết người, tạo hiện trường giả để trục lợi bảo hiểm là Đỗ Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Thông tin trên báo CAND cho biết, do vay mượn số tiền hơn 23,7 tỷ đồng và không còn khả năng trả nợ, Minh đã lên kế hoạch mua bảo hiểm rồi tìm xác chết để trên xe ô tô và tạo hiện trường giả để mọi người lầm tưởng Minh đã chết nhằm mục đích xóa nợ và vợ, con được hưởng tiền bảo hiểm. Để thực hiện kế hoạch, ngày 9/4/2020, Minh mua gói bảo hiểm nhân thọ đóng phí hơn 200 triệu đồng/năm và đã đóng đủ số tiền của năm 2020. Do đó, nếu Minh chết thì sẽ được bảo hiểm thanh toán số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Sau khi lên kế hoạch, bị can Minh đã giết cháu là anh Trần Nho Vương và tạo hiện trường giả một vụ tai nạn giao thông để thực hiện hành vi trục lợi bảo hiểm của mình.

Vụ án này đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông hoàn tất điều tra. Bị cáo Đỗ Văn Minh bị khởi tố các tội danh gồm “Giết người” và “Xâm phạm mồ mả”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Huỷ hoại tài sản”.

Tự gây thương tích cho chính mình để đòi tiền bảo hiểm

Hành vi này phổ biến bằng cách chính người được bảo hiểm tự ý gây thương tích cho mình, sau đó yêu cầu bồi thường tiền bảo hiểm. Điển hình cho hành vi này là vụ hàng chục người bị "tai nạn" chặt ngón tay cái để đòi tiền bảo hiểm mà báo chí đã đưa tin.

Theo báo Tuổi trẻ thông tin, đầu năm 2019 nổi lên vụ việc một người phụ nữ mua cùng lúc 9 hợp đồng bảo hiểm tại 8 công ty bảo hiểm nhân thọ. Khoảng 1 tháng sau bị người này bị "tai nạn" do dao chặt cụt ngón tay cái bàn tay trái và gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tới các doanh nghiệp trên, tổng quyền lợi bảo hiểm của thương tật trên của 9 hợp đồng có thể lên tới 3 tỉ đồng.

Hay năm 2016, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã điều tra ra vụ án một người phụ nữ 30 tuổi đã thuê một thanh niên 50 triệu để chặt chân, tay mình rồi giả hiện trường vụ tai nạn nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm nhân thọ lên tới 3,5 tỷ đồng.

Ngoài ra còn rất nhiều những hành vi trục lợi bảo hiểm khác khiến vấn nạn này trở nên đáng lo ngại. Theo đó trong lĩnh vực bảo hiểm, một số hành vi có thể kể ra như:

  • Khai tăng giá trị tổn thất: Đây là một trong những cách mà khách hàng hay nghĩ đến nhất để được hưởng thêm nhiều lợi ích. Công ty bảo hiểm sẽ tri trả quyền lợi cho khách hàng dựa trên những tổn thất xảy ra. Chính vì vậy, khách hàng trục lợi bảo hiểm bằng cách làm hư hại thêm tài sản được bảo hiểm nhằm được trả tiền bồi thường cao hơn. Đây là một hành vi hoàn toàn sai trái, thậm chí nếu bị phát hiện thì khách hàng vừa bị tổn thất thêm vừa không được tri trả quyền lợi. Do vậy để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm, các công ty đã đưa ra những Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm để người tham gia nắm rõ, tránh gian lận.
  • Xảy ra tổn thất rồi mới “chạy” bảo hiểm: Hình thức này xảy ra khi khách hàng đã bị tổn thất về tài sản như máy móc, phương tiện di chuyển… rồi mới bắt đầu tham gia bảo hiểm để trục lợi. Để làm được điều này, thường khách hàng sẽ giao kết với đại lý hoặc nhân viên bảo hiểm để thực hiện…

Ngoài ra, còn rất nhiều các hành vi trục lợi bảo hiểm khác của người tham gia bảo hiểm, thậm chí, có một số hành vi đến từ nhân viên bảo hiểm hay đại lý bảo hiểm… Những hành vi này đang xảy ra ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của khách hàng và công ty bảo hiểm.

Có thể bạn quan tâm: 7 lời khuyên để tránh kẻ lừa đảo bảo hiểm nhân thọ

Hậu quả của trục lợi bảo hiểm

Trục lợi bảo hiểm gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm cũng như xã hội. Theo đó:

  • Đối với xã hội: Trục lợi bảo hiểm khiến môi trường kinh doanh bảo hiểm trở nên thiếu lành mạnh và thiếu đi sự công bằng. Điều này sẽ dẫn đến vấn nạn, tình trạng coi thường pháp luật và gây rối trật tự xã hội.
  • Đối với doanh nghiệp bảo hiểm: Hành vi trục lợi bảo hiểm khiến doanh nghiệp giảm lợi nhuận do chi trả quyền lợi cho những sự kiện không chính xác. Từ đó dẫn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế. 
  • Đối với khách hàng: Người có hành vi trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý thậm chí bị truy tố trước pháp luật. Hành vi trục lợi cũng khiến những người trung thực sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi khi phí bảo hiểm mà họ đóng phải chi trả cho cả những khoản tiền gian lận, chi trả cho hành vi gian dối.

truc-loi-bao-hiem-nhan-tho-07

Hành vi trục lợi bảo hiểm gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng

Trục lợi bảo hiểm bị xử lý như thế nào?

 Hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng diễn ra phổ biến và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nên pháp luật đã có những quy định để xử lý. Cụ thể, hành vi trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm như sau:

"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên."

Ngoài ra, Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định, đối với hành vi không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, thì có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Tuy nhiên, hành vi này chỉ áp dụng đối với hành vi cá nhân, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, còn người mua bảo hiểm sẽ không bị xử phạt hành chính. Xem thêm: Mức phạt của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Hành vi trục lợi bảo hiểm xảy ra ngày càng phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Để có thể xử lý dứt điểm được những hành vi này, đòi hỏi sự hợp tác đến từ công ty bảo hiểm, khách hàng, tư vấn viên và sự hỗ trợ của pháp luật. Và khi tất cả mọi người nâng cao ý thức, chủ động không thực hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm, như thế mới có thể chấm dứt được hành vi này. Từ đó đảm bảo một môi trường kinh doanh bảo hiểm lành mạnh, phát huy đúng giá trị của bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

 

Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

5 (4 lượt)

5 (4 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn bảo hiểm nhân thọ

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *