Quy định về quyền thừa kế đất đai theo di chúc hoặc theo pháp luật
Mục lục [Ẩn]
Thừa kế quyền sử dụng đất là gì?
Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người chết cho người sống theo di chúc hoặc theo pháp luật. Di sản thừa kế trong trường hợp này chính là quyền sử dụng đất hợp pháp của người chết để lại. Quyền thừa kế trong Luật Đất đai được quy định là một trong những hình thức của chuyển quyền sử dụng đất.
Cách chia thừa kế quyền sử dụng đất
Quyền thừa kế nhà đất được quy định trong Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, việc chia thừa kế quyền sử dụng đất sẽ được chia thành 2 trường hợp sau:
Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc
Quyền thừa kế tài sản nhà đất theo di chúc sẽ phụ thuộc vào nội dung mà người lập di chúc để lại. Theo đó, người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Tuy nhiên, những người sau vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của 1 người thừa kế theo pháp luật ngay cả trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng
- Con thành niên mà không có khả năng lao động,
(Căn cứ Khoản 1, Điều 644, Bộ luật Dân sự 2015)
Tuy nhiên, để di chúc hợp pháp cần đáp ứng các điều kiện nhất định và một số người không được quyền hưởng di sản. Tham khảo bài viết: Quyền thừa kế đất đai có di chúc được quy định thế nào? để nắm được thêm thông tin.
Quyền thừa kế tài sản nhà đất theo di chúc
Thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật
Quyền thừa kế đất đai không di chúc được áp dụng với các trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 650, Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc”.
Như vậy, nếu không có di chúc thì quyền thừa kế sử dụng đất sẽ được chia theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, trong đó:
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau |
Lưu ý: Hàng thừa kế được quy định tại Điều 651, Bộ luật dân sự 2015 như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết…
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết…
Lưu ý: Quyền được thừa kế đất đai không phải chia đều cho các hàng thừa kế. Hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không có ai ở hàng thừa kế thứ nhất. Xem thêm thông tin chi tiết trong bài viết: Lưu ý khi chia thừa kế quyền sử dụng đất không có di chúc.
Quy định về quyền thừa kế đất đai
Quyền thừa kế đất nông nghiệp
Quyền thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 179, Luật Đất đai như sau:
“Điều 179. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
…
đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trường hợp người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất; nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 186 của Luật này thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó”.
Theo quy định trên, hộ gia đình được Nhà nước giao đất nông nghiệp, nếu trong hộ gia đình có thành viên chết thì quyền sử dụng đất nông nghiệp của thành viên đó sẽ được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Quyền thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp được quy định thế nào?
Quyền thừa kế đất ở
Người thừa kế có thể được hưởng quyền thừa kế đất ở theo di chúc hoặc theo pháp luật hoặc vừa thừa kế theo di chúc vừa thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ Điểm d, Khoản 1, Điều 179, Luật Đất đai quy định như sau:
- Nếu người được thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất.
- Nếu người được thừa kế không thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.
Quyền thừa kế đất hộ gia đình
Để Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên hộ gia đình cần đáp ứng được những điều kiện theo quy định tại Khoản 29, Điều 3, Luật Đất đai như:
- Những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định
- Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất…
Để chia thừa kế quyền sử dụng đất nếu chẳng may có thành viên trong hộ gia đình (có chung quyền sử dụng đất) qua đời thì việc xác định được phần di sản để chia thừa kế là rất quan trọng. Theo đó, di sản thừa kế phải chia đều cho các thành viên trong hộ gia đình, sau đó, lấy phần di sản của người chết để lại để chia theo di chúc hoặc theo pháp luật. Xem thông tin chi tiết trong bài viết: Cách chia thừa kế quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Thừa kế đất đai có phải nộp thuế không?
Khi nhận di sản thừa kế là nhà đất thì người thừa kế có thể phải nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận, phí thẩm định hồ sơ. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ khi nhận thừa kế giữa những người sau:
- Vợ với chồng
- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ
- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi
- Cha chồng, mẹ chồng với con dâu
- Cha vợ, mẹ vợ với con rể
- Ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại
- Anh chị em ruột với nhau.
Một số trường hợp phải nộp đầy đủ các khoản thuế, phí này khi nhận thừa kế đất đai. Xem thông tin chi tiết trong bài viết: 4 khoản tiền có thể phải nộp khi nhận thừa kế đất đai.
Thừa kế đất đai có phải nộp thuế không?
Tranh chấp quyền thừa kế đất đai
Việc tranh chấp quyền thừa kế đất đai diễn ra khá phổ biến. Các vụ việc có diễn biến tương đối phức tạp như:
- Người thừa kế yêu cầu xác nhận lại quyền thừa kế của mình
- Người thừa kế yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác
- Người thừa kế yêu cầu chia di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật…
Để đảm bảo quyền thừa kế quyền sử dụng đất của mình thì người có quyền lợi liên quan có thể làm đơn khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Xem hướng dẫn chi tiết trong bài viết: Tranh chấp về quyền thừa kế đất đai giải quyết thế nào?
Thủ tục chuyển quyền thừa kế đất đai
Thủ tục chuyển quyền thừa kế đất hay còn gọi là thủ tục sang tên sổ đỏ (đăng ký biến động đất đai) khi nhận thừa kế với di sản là quyền sử dụng đất. Có 2 trường hợp phải làm thủ tục khai nhận di sản bao gồm:
- Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật
- Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó
(Căn cứ Khoản 1, Điều 58, Luật Công chứng 2014)
Để làm thủ tục sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế thì người thừa kế cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của người chết để lại.
- Văn bản khai nhận di sản có công chứng.
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng (nếu có).
- Giấy tờ khác như: CMND, sổ hộ khẩu của hai bên.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ trên thì người thừa kế nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất để được xử lý.
Thời gian giải quyết không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lên. Tuy nhiên, với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… thì thời gian giải quyết lâu hơn nhưng không quá 20 ngày. Xem thêm thông tin chi tiết trong bài viết: Thủ tục chuyển quyền thừa kế đất đai khi được nhận thừa kế để có sự chuẩn bị chu đáo nhất.
Thủ tục chuyển quyền thừa kế đất đai được quy định thế nào?
Chuyển nhượng quyền sử đất sau khi nhận thừa kế
Sau khi làm thủ tục sang tên sổ đỏ thì có thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải tuân thủ các quy định tại Khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai như:
“Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất”.
Ngoài ra, một số trường hợp khi thực hiện chuyển nhượng phải kèm theo một số điều kiện nhất định. Tham khảo thêm thông tin trong bài viết: Quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất được quy định thế nào?
Như vậy, quyền thừa kế đất đai sẽ được thực hiện theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế phải làm thủ tục sang tên sổ đỏ khi nhận thừa kế quyền sử đất.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất