TheBank
Gửi yêu cầu tư vấn

Người thụ hưởng bảo hiểm là gì? Quy định về người thụ hưởng bảo hiểm

Lê Thị Quyên & Vũ Hải Yến 0 Kiến thức bảo hiểm nhân thọ

Điền thông tin người thụ hưởng bảo hiểm là một trong những yêu cầu bắt buộc khi khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vậy người thụ hưởng bảo hiểm là gì?

Người thụ hưởng trong bảo hiểm nhân thọ là ai?

Theo Khoản 8, Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người. Người thụ hưởng có thể là bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc bất kỳ ai có hoặc không có quan hệ huyết thống với người được bảo hiểm chính của hợp đồng. Trong trường hợp xấu nhất là người được bảo hiểm chính tử vong thì người thụ hưởng sẽ nhận được số tiền bảo hiểm lớn nhất của hợp đồng. 

Ví dụ: Chồng mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ và chỉ định người thụ hưởng là con trai của mình thì người chịu trách nhiệm đóng phí là chồng, người được bảo hiểm là vợ. Nếu chẳng may người vợ bị tử vong do nguyên nhân khách quan thì người con sẽ nhận được quyền lợi bảo hiểm tử vong theo như thỏa thuận trong hợp đồng.

Tìm hiểu thêm: Người thụ hưởng có phải là người được bảo hiểm?

Thông tin người mua bảo hiểm và người thụ hưởng phải có trong hợp đồng

Thông tin người mua bảo hiểm và người thụ hưởng phải có trong hợp đồng

Quy định về người thụ hưởng bảo hiểm nhân thọ

- Bên mua bảo hiểm là người có quyền chỉ định người thụ hưởng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và có thể thay đổi nhiều lần trong suốt thời hạn hợp đồng (Việc thay đổi cần phải thông báo bằng văn bản gửi đến doanh nghiệp bảo hiểm).

- Người được thụ hưởng bảo hiểm có thể là 1 hoặc nhiều người: Bên mua bảo hiểm có quyền chỉ định một hoặc nhiều người là người thụ hưởng. Trong trường hợp có nhiều người thụ hưởng trong cùng một hợp đồng phải phân chia rõ tỷ lệ được hưởng để tránh xảy ra tranh chấp (tổng tỷ lệ không quá 100% số tiền bảo hiểm).

- Bên mua bảo hiểm có thể chỉ định một người bất kỳ là người thụ hưởng mà không nhất thiết người đó có mối quan hệ huyết thống với mình. Ví dụ: Ngân hàng mua bảo hiểm nhân thọ cho người vay vốn (thường là gói bảo hiểm tử kỳ) và chọn người thụ hưởng là ngân hàng.

- Nếu người thụ hưởng dưới 18 tuổi thì người bảo hộ hợp pháp của người thụ hưởng sẽ thay người thụ hưởng nhận số tiền bảo hiểm khi người được bảo hiểm tử vong.

- Nếu người thụ hưởng phạm tội hình sự, số tiền đền bù sẽ chỉ chia cho những người thụ hưởng còn lại trong hợp đồng.

- Người thụ hưởng cần có giấy chứng tử của người được bảo hiểm để chứng minh người được bảo hiểm đã chết và lấy quyền lợi.

- Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng (theo Điểm b, Khoản 1, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000).

- Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm (theo Khoản 2, Điều 39 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000).

Ngoài ra, quy định về quyền và nghĩa vụ của người thụ hưởng được viết rõ trong bản quy tắc, điều khoản sản phẩm mà khách hàng tham gia.

Ví dụ: Trong bản quy tắc và điều khoản sản phẩm Cuộc Sống Tươi Đẹp của Manulife quy định quyền và nghĩa vụ của người thụ hưởng như sau:

"10.2 Người Thụ Hưởng

a) Người Thụ Hưởng được Bên Mua Bảo Hiểm chỉ định trong đơn yêu cầu bảo hiểm hoặc được thay đổi và chấp thuận bởi Công Ty trong Xác Nhận Thay Đổi Hợp Đồng. Trong thời gian Người Được Bảo Hiểm còn sống, Bên Mua Bảo Hiểm có thể thay đổi Người Thụ Hưởng mà không cần có sự đồng ý trước của bất kỳ Người Thụ Hưởng nào.

b) Người Thụ Hưởng được hưởng các quyền lợi của Hợp Đồng, nếu và khi được Công Ty đồng ý chi trả các quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp Người Được Bảo Hiểm tử vong. Tất cả các quyền lợi khác của Hợp Đồng trong thời gian Người Được Bảo Hiểm còn sống sẽ được thanh toán cho Bên Mua Bảo Hiểm hoặc theo thỏa thuận khác giữa Công Ty và Bên Mua Bảo Hiểm.

c) Nếu không có Người Thụ Hưởng nào được chỉ định hoặc tất cả Người Thụ Hưởng đều đã tử vong/chấm dứt hoạt động (nếu Người Thụ Hưởng là tổ chức) đồng thời hoặc trước khi Người Được Bảo Hiểm tử vong, quyền lợi bảo hiểm tử vong sẽ được chi trả cho Bên Mua Bảo Hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp của Bên Mua Bảo Hiểm.

d) Nếu có từ hai Người Thụ Hưởng trở lên thì:

(i) quyền lợi bảo hiểm tử vong sẽ được chia đều cho tất cả mọi Người Thụ Hưởng, trừ khi có quy định khác trong Hợp Đồng hoặc trong văn bản chỉ định Người Thụ Hưởng đang có hiệu lực áp dụng; hoặc

(ii) nếu có bất kỳ Người Thụ Hưởng nào đã tử vong/ chấm dứt hoạt động đồng thời hoặc trước khi Người Được Bảo Hiểm tử vong, phần quyền lợi bảo hiểm của Người Thụ Hưởng đó sẽ được chia đều cho những Người Thụ Hưởng còn lại, trừ khi có quy định khác đi trong Hợp Đồng hoặc trong văn bản chỉ định Người Thụ Hưởng đang có hiệu lực áp dụng...".

Như vậy, người thụ hưởng bảo hiểm được hiểu đơn giản là người thừa kế hợp pháp số tiền bảo hiểm khi người được bảo hiểm không may bị tử vong. Bên mua bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng và có quyền thay đổi đối tượng đó bất cứ lúc nào trong thời hạn của hợp đồng nếu được sự đồng ý của công ty bảo hiểm.

Đóng góp bài viết của bạn bằng cách gửi bài viết Tại Đây

TƯ VẤN Bảo hiểm nhân thọ

Đánh giá bài viết
Người thụ hưởng bảo hiểm là gì? Quy định về người thụ hưởng bảo hiểm
2 5

Bài viết có hữu ích không?

Không
MỞ TÀI KHOẢN TƯ VẤN VIÊN MIỄN PHÍ
Kết nối với khách hàng có nhu cầu chính xác


Bình luận

Hãy Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận

Nội quy : nhận xét có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu. Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần bị baned nick.

Gửi bình luận
bình luận
Sắp xếp : Mới nhất